Không Chỉ Là Bánh Phồng Tôm
GIỮ NGHỀ
Nằm kề bên Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà thờ họ Dương (còn gọi là Nhà cổ Bình Thủy), nhà của cô Dương Thị Huỳnh Hoa tuy có diện mạo khiêm tốn nhưng lại mang nét đặc trưng riêng, dễ nhận biết. Đó là khoảng sân rộng với những kệ phơi bánh phồng tôm truyền thống. Màu trắng của bánh sáng lên trong ánh nắng rực rỡ, tô điểm cho căn nhà một dáng vẻ riêng biệt, khó lẫn.
Bánh phồng tôm sau khi hấp chín, cắt miếng được cô Huỳnh Hoa và con gái mang phơi nắng.
Bánh phồng tôm của gia đình cô Hoa sản xuất
ngoài chiên theo kiểu truyền thống còn có thể làm thành các món: gỏi bánh phồng tôm, mì chiên giòn, mì nước.
Dưới ánh nắng hiếm hoi của những ngày mưa, cô Huỳnh Hoa cùng con gái nhanh tay lật trở những miếng bánh, kiểm tra lại độ giòn, khô của bánh, đồng thời quan sát thời tiết xem có thể phơi tiếp trong bao lâu, kịp đem bánh vào nhà trước khi trời đổ mưa bất chợt. Cô Hoa cho biết: "Tôi làm bánh chủ yếu trong mùa nắng, mùa mưa làm ít vì bánh phải phơi 2 nắng liên tục mới khô, giòn. Mấy bữa nay, tranh thủ nắng ráo, tôi làm một mẻ bánh đặng kịp giao cho khách".
Ở tuổi 57, cô Huỳnh Hoa đã có thâm niên hơn 40 năm trong việc sản xuất bánh phồng tôm bởi đây là nghề gia truyền. Từ việc phụ giúp mẹ các công đoạn làm bánh, cô dần lĩnh hội hết những tinh túy của nghề dưới sự chỉ dạy tận tình của mẹ: từ tỷ lệ trộn các nguyên liệu (tôm, lòng trắng trứng gà, bột năng), gia vị sao cho hài hòa đến xay bột, nhồi bột sao cho vừa, quết bánh sao cho đều, đến hấp bánh sao cho vừa chín tới, cắt bánh sao đẹp, phơi bánh sao cho khô, cuối cùng là chiên bánh sao cho giòn. Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công nên rất tỉ mỉ, cẩn thận để khi đưa chiếc bánh thành phẩm vào miệng, ngoài nếm được vị giòn, ngon của tôm, trứng, bột, thực khách còn cảm nhận được tấm lòng, công sức của người làm.
Lúc đầu, cũng như mẹ, cô Hoa làm bánh chỉ để ăn trong gia đình hoặc phục vụ các đám tiệc, lễ Tết trong dòng tộc. Nhưng dần dần, mùi vị đặc trưng của bánh được nhiều người yêu thích, liên hệ đặt mua. Nể tình, cô Hoa làm vừa bán, vừa cho lấy thảo. Tiếng lành đồn xa, món ngon dần được nhiều người biết đến, số lượng bánh đặt ngày càng tăng. Người mua về ăn, người làm quà, nhiều nhất là những Việt kiều về thăm quê, muốn mang những chiếc b 5;nh thơm ngon, tiện dụng sang xứ người để thưởng thức cùng thân nhân, bạn bè. Nhận thấy có thể kiếm thêm thu nhập từ nghề làm bánh phồng tôm, cô Hoa cùng con gái tập trung vào làm bánh. Khi số lượng bánh đặt quá nhiều, cô thuê thêm vài người phụ giúp. Các công đoạn làm bánh vẫn được thực hiện thủ công, chỉ có chiếc cối xay bằng đá được cải tiến bằng cách gắn thêm hệ thống mô-tơ để xay tự động, giảm bớt công sức, thời gian của quá trình xay bột ban đầu. Đặc biệt, chiếc cối xay đá này đã có tuổi đời gần trăm năm, được truyền từ thời bà nội, mẹ đến cô Hoa và giờ là con gái của cô. Qua 4 đời sử dụng, chiếc cối ấy tượng trưng cho sự cần cù, chịu khó, nghề nối nghề của phụ nữ họ Dương. Chị Dương Minh Trân, con gái cô Hoa, tâm tình: "Tôi không đi làm mà ở nhà phụ mẹ làm bánh. Đây cũng là cơ hội để tôi giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của gia đình".
SÁNG TẠO
Bánh phồng tôm của gia đình cô Dương Thị Huỳnh Hoa sản xuất chỉ bán cho người quen, bạn bè có nhu cầu, không tiêu thụ rộng rãi trên thị trường nên không có thương hiệu, nhãn mác. Nhưng với uy tín lâu năm trong nghề cộng với chất lượng của bánh nên khách hàng tin tưởng và mua thường xuyên. Bà Dương Thị Sáu, ở phường Bình Thủy, cho biết: "Tôi và gia đình thường mua bánh phồng tôm của cô Hoa sử dụng và mua giùm cho thân nhân ở nước ngoài nữa. Bánh ở đây vừa ngon, v ừa không sử dụng hóa chất hay phẩm màu nên để được lâu, chất lượng rất đảm bảo".
Từ chiếc bánh chiên giòn ban đầu, cô Hoa còn sáng tạo thêm nhiều món ăn độc đáo, đáp ứng khẩu vị của nhiều người. Bánh sau khi hấp được cắt thành từng miếng hình chữ nhật để phơi khô, phần rìa bánh còn dư có hình dáng dài, mảnh được tận dụng làm mì chiên giòn hoặc gỏi bánh phồng tôm. Thay vì ăn bánh như bình thường, nay người dùng được thưởng thức những miếng bánh sau khi chiên giòn trộn chung với các loại gỏi hoặc ăn tương tự mì Ý với th& #7883;t bò xào rau củ. Đặc biệt, với những người không thích dầu mỡ có thể thưởng thức món mì nước làm từ bánh phồng tôm. Bánh sau khi hấp (hoặc bánh đã phơi khô) được cắt thành từng sợi rồi nấu với nước dùng (xương hoặc thịt heo hầm), ăn kèm với giá. Món ăn này có vị ngon, ngọt thanh, sợi mì vừa dai vừa đậm đà... Món mì này cô Hoa đặt tên là "Mì Dương gia" với ý nghĩa đơn giản: mì do nhà họ Dương sáng tạo.
Chị Lê Thị Bé Bảy, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy, cho biết: "Gia đình cô Dương Thị Huỳnh Hoa là một thành viên của gia tộc họ Dương ở Bình Thủy. Bên cạnh việc khai thác di tích Nhà thờ họ Dương, ngành du lịch quận Bình Thủy đang có hướng đưa bánh phồng tôm do cô Hoa sản xuất vào chuỗi cung ứng phục vụ du lịch. Khách sau khi tham quan nhà cổ sẽ sang nhà cô Hoa để tham quan qui trình làm bánh hoặc thưởng thức bánh phồng tôm, mì Dương gia và các món ăn chế biến từ bánh phồng tôm. Hiện chúng tôi đang xúc tiến để sớm đưa mô hình này vào hoạt động".
* * *
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, là dịp bánh phồng tôm được tiêu thụ mạnh. Mẹ con cô Hoa lại tất bật với những mẻ bánh mới đáp ứng nhu cầu của khách. Cùng đó, việc tham gia vào phát triển du lịch cũng sẽ tốn thêm nhiều thời gian, công sức. Nở nụ cười hiền hậu, cô Hoa nói chân thành: "Nào giờ đâu có biết làm du lịch gì đâu. Giờ được quận quan tâm, vận động tham gia phục vụ du khách, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì giới thiệu được b 5;nh truyền thống của gia đình đến du khách gần xa, lo vì không biết làm có tốt không, khách có hài lòng không. Chỉ biết là khi bắt tay vào làm sẽ cố gắng hết sức, giống như mình đã tận tâm với nghề làm bánh vậy!".
Bài, ảnh: CÁT ĐẰNG