Sự Khác Nhau Giữa Chế Độ Ăn Chay Và Thuần Chay

Chế độ ăn chay đã xuất hiện từ đầu những năm 700 trước công nguyên.

Có rất nhiều thể loại ăn chay với nhiều mục đích khác nhau như sức khoẻ, đạo đức, môi trường và tôn giáo.

Chế độ ăn chay thuần mới chỉ xuất hiện gần đây nhưng đã nhận được khá nhiều sự chú ý.

Bài báo này sẽ đề cập đến sự giống nhau và khác nhau giữa hai chế độ ăn kiêng này.

Trong bài cũng sẽ có các thông tin về những ảnh hưởng đến sức khoẻ và môi trường của các chế độ ăn này.

Chế độ ăn chay là gì?

Theo Hiệp hội Ăn chay, người ăn chay là người không ăn thịt, gia cầm, động vật có vú, cá, động vật có vỏ hoặc các sản phẩm từ việc giết mổ động vật.

Chế độ ăn chay chứa nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc, đậu, quả hạch và hạt. Việc có dùng các sản phẩm sữa và trứng hay không còn tùy thuộc vào loại hình ăn chay.

Các loại hình ăn chay phổ biến nhất bao gồm:

  • Lacto-ovo: Những người theo chế độ này không ăn thịt động vật, nhưng tiêu thụ sản phẩm sữa và trứng.
  • Lacto: Chế độ này không ăn thịt động vật và trứng, nhưng tiêu thụ sản phẩm sữa.
  • Ovo: Những người không ăn tất cả các sản phẩm động vật ngoại trừ trứng.
  • Ăn chay thuần: Không ăn tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật.

Những người không ăn thịt đỏ hay thịt gia cầm nhưng ăn cá được gọi là pescatarian, trong khi những người vừa ăn chay vừa ăn thịt thường được gọi là flexitarian.

Mặc dù đôi khi vẫn được coi là một loại hình ăn chay, nhưng pescatarian và flexitarian lại là những người ăn thịt động vật. Do đó, về tính chất, các thể loại này không phải là ăn chay.

Kết luận: Chế độ ăn chay không bao gồm thịt, gia cầm, động vật có vú, cá và động vật có vỏ. Một số trường phái ăn chay cũng không ăn trứng, sữa hoặc các sản phẩm từ động vật khác.

Chế độ ăn chay thuần là gì?

Chế độ ăn chay thuần có thể được coi là hình thức ăn chay nghiêm ngặt nhất.

Ăn chay thuần hiện được Hiệp hội Thuần chay định nghĩa là một lối sống nhằm loại bỏ tất cả các hình thức bóc lột và đối xử tàn bạo với động vật càng nhiều càng tốt.

Các hình thức bóc lột bao gồm khai thác làm thực phẩm và bất kỳ mục đích nào khác.

Do đó, chế độ ăn chay thuần không chỉ loại trừ thịt động vật, mà còn cả sữa, trứng và các thành phần có nguồn gốc động vật bao gồm gelatin, mật ong, carmine, pepsin, shellac, albumin, váng sữa, casein và một số dạng vitamin D3.

Người ăn chay và người ăn chay thuần thường không ăn các sản phẩm từ động vật vì những lý do giống nhau. Sự khác biệt lớn nhất của 2 trường phái là mức độ tiếp nhận các sản phẩm động vật.

Ví dụ, cả người ăn chay và người ăn chay thuần đều loại trừ thịt khỏi chế độ ăn vì lý do sức khoẻ hoặc môi trường.

Tuy nhiên, người ăn chay thuần cũng tránh tất cả các sản phẩm động vật bởi vì họ tin rằng đây là tác động lớn nhất đến sức khoẻ và môi trường.

Về mặt đạo đức, người ăn chay phản đối việc giết thú vật để làm thức ăn, nhưng họ vẫn cân nhắc việc tiêu thụ các sản phẩm động vật như sữa và trứng, miễn là các chúng được nuôi trong điều kiện đầy đủ.

Mặt khác, người ăn chay thuần cho rằng con người không có quyền dùng động vật vào các mục đích như lương thực, quần áo, khoa học hoặc giải trí.

Do đó, dù động vật được nuôi trong điều kiện như thế nào, họ vẫn loại bỏ tất cả các sản phẩm động vật bằng mọi cách.

Mong muốn không có bất kỳ hình thức bóc lột thú vật nào là lý do những người ăn chay thuần không ăn những sản phẩm từ sữa và trứng - những sản phẩm mà nhiều người ăn chay vẫn ăn.

Kết luận: Người ăn chay và thuần chay có suy nghĩ khác nhau đối với việc con người dùng động vật. Đây là lý do tại sao một số người ăn chay có thể tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc động vật, trong khi đó những người ăn chay thuần thì không.

Các cân nhắc về dinh dưỡng cần có đối với chế độ ăn chay và thuần chay

Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn chay và thuần chay có xu hướng ít chất béo bão hòa và cholesterol.

Các chế độ này cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và các hợp chất thực vật lành mạnh ( 1).

Thêm vào đó, cả hai chế độ ăn uống đều chứa một lượng thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Các loại thực phẩm bao gồm trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên cám, quả hạch, hạt và các sản phẩm từ đậu nành ( 1).

Mặt khác, chế độ ăn chay và thuần chay thiếu khoa học có thể dẫn đến thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là các chất sắt, canxi, kẽm và vitamin D ( 1, 2).

Cả hai chế độ ăn uống cũng thường chứa một lượng vitamin B12 và omega-3 chuỗi dài thấp, và hàm lượng của các chất dinh dưỡng nói chung trong chế độ ăn thuần chay thường ít hơn chế độ ăn chay ( 1).

Kết luận: Người ăn chay và thuần chay thường có lượng chất dinh dưỡng hấp thụ vào cơ thể tương đương nhau. Tuy nhiên, các chế độ ăn không khoa học có thể dẫn đến thiếu dinh dưỡng.

Chế độ nào lành mạnh hơn?

Theo một báo cáo của Viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn cũng như một số đánh giá khoa học, cả chế độ ăn chay và thuần chay đều có thể được coi là thích hợp cho tất cả các giai đoạn của cuộc đời, miễn là người ăn tuân theo một cách khoa học ( 1, 2, 3, 4).

Thiếu các chất dinh dưỡng như axit béo omega-3, canxi, vitamin D và B12 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các khía cạnh khác nhau của sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tinh thần và thể chất ( 5, 6, 7, 8).

Cả người ăn chay và người ăn chay thuần có thể hấp thụ lượng chất dinh dưỡng thấp hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy những người ăn chay thường hấp thụ lượng canxi và vitamin B12 nhỉnh hơn người ăn thuần chay một chút ( 9, 10).

Tuy nhiên, những người theo cả hai chế độ này nên đặc biệt quan tâm đến các phương pháp nhằm tăng sự hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn thực vật ( 2).

Các sản phẩm được tăng cường hàm lượng dinh dưỡng cũng rất cần thiết, đặc biệt là sản phẩm cung cấp các chất như sắt, canxi, omega-3, vitamin D và B12 ( 1, 11).

Người ăn chay và thuần chay nên cân nhắc phân tích lượng chất dinh dưỡng hàng ngày, đo nồng độ chất dinh dưỡng trong máu và dùng thực phẩm chức năng cho phù hợp.

Một vài nghiên cứu trực tiếp đã so sánh 2 chế độ này và cho thấy người ăn chay thuần có thể có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, tim mạch và các loại ung thư thấp hơn người ăn chay ( 12, 13, 14, 15).

Ngoài ra, người ăn chay thuần thường có chỉ số khối lượng cơ thể(BMI) và cân nặng khi đã lớn tuổi thấp hơn người ăn chay ( 12, 16).

Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu cho đến nay đều mới chỉ là nghiên cứu quan sát. Có nghĩa là chúng ta chưa thể xác định chính xác yếu tố nào của chế độ ăn chay thuần tạo ra những ảnh hưởng này hay khẳng định rằng chế độ ăn uống là yếu tố tiên quyết.

Kết luận: Chế độ ăn thuần chay có thể tốt hơn ăn chay trong việc kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên, nếu không được lên kế hoạch hoàn chỉnh, ăn chay thuần cũng có thể gây ra thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Còn nhiều điều bạn chưa biết về chế độ ăn chay thuần

Mặc dù người ăn chay và ăn chay thuần có thể lựa chọn không ăn các sản phẩm động vật vì các mục đích giống nhau, nhưng đối với người ăn chay thuần sự lựa chọn này không chỉ dừng lại ở chế độ ăn.

Trên thực tế, ăn chay thuần thường được coi là một lối sống gắn liền với quyền động vật.

Vì lý do này, nhiều người ăn chay cũng không mua các mặt hàng quần áo có chứa lụa, len, da hoặc da lộn.

Hơn nữa, nhiều người ăn chay thuần đã tẩy chay các công ty thực hiện các thí nghiệm trên động vật và chỉ mua mỹ phẩm không chứa thành phầm động vật.

Cuối cùng, nhiều nhà môi trường học tuân theo chế độ ăn chay thuần vì các tác hại của việc ăn thịt đối với tài nguyên trái đất cũng như những lợi ích của nó đối với sự thay đổi khí hậu ( 17, 18, 19).

Những điều cần ghi nhớ

Người ăn chay và ăn chay thuần có thể không ăn các sản phẩm từ động vật vì những lý do giống nhau, nhưng họ lại thực hiện điều này theo các mức độ khác nhau.

Có rất nhiều loại hình ăn chay, ăn chay thuần là loại hình nghiêm ngặt nhất.

Cả hai chế độ ăn này có thể được coi là an toàn cho tất cả các giai đoạn của cuộc đời, nhưng chế độ ăn chay thuần vẫn có thể mang lại nhiều lợi ích về sức khoẻ hơn.

Tuy nhiên, điều quan trọng đối với cả hai chế độ đó là ăn uống một cách khoa học để tránh những vấn đề sức khoẻ về sau này.

Next Post Previous Post